
Nhiều hộ gia đình tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang “choáng váng” trước hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng đột biến, gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với tháng trước, dù nhu cầu sử dụng không tăng đột biến.
Theo lý giải từ ngành điện, nguyên nhân chính là do tác động của thời tiết nắng nóng gay gắt, cùng với kỳ nghỉ hè của học sinh, khiến thời gian sử dụng điều hòa và các thiết bị điện kéo dài liên tục. Tuy nhiên, người dân lại đặt ra nghi vấn về thời điểm điều chỉnh giá điện.

Hóa đơn tiền điện tháng 6 của một trường hợp ở Lạng Sơn tăng gấp gần 10 lần (Ảnh: Thanh Thương).
Anh Sơn Nguyễn bày tỏ sự khó hiểu: “Nghĩ cũng lạ, sao không điều chỉnh giá điện vào thời điểm khác, mà cứ đến mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao mới điều chỉnh? Mức tăng 4,8% thoạt nhìn thì không nhiều, nhưng khi cộng thêm tiền thuê nhà, tiền nước… sẽ thấy các khoản chi cố định đều tăng, khiến nhiều gia đình buộc phải ‘thắt lưng buộc bụng’”.
Độc giả Vũ Bình chia sẻ trải nghiệm “sốc nặng”: “Tháng 4, tiền điện nhà tôi là 1,4 triệu đồng. Sang tháng 5 tăng lên 2,05 triệu, tháng 6 hóa đơn gần 2,5 triệu đồng, trong khi thiết bị điện trong nhà vẫn y nguyên. Đúng là sốc nặng luôn!”.
Chị Quyên Châu không giấu nổi sự bức xúc khi nhận hóa đơn 5,6 triệu đồng, trong khi mức cao nhất trước đây chỉ hơn 3 triệu đồng: “Không thể nào chấp nhận được! Làm sao chấp nhận nổi, trong khi nhà không dùng gì nhiều. Tôi gọi cho bên điện lực mãi không được”.
Bạn Bình Vũ ngán ngẩm gọi đây là “bài ca muôn thuở”: “Hè đến điện lại tăng. Đã đến lúc ngành điện cần xem lại cách tính giá điện hiện nay để phù hợp với kinh tế của đại đa số người dân, tránh để tình trạng ‘càng nóng càng khổ’”.
Nhiều ý kiến cũng đặt nghi vấn về sự minh bạch trong cách tính toán. Tài khoản Venovo nhận định: “Mọi người để ý xem, hình như năm nào cũng có một đợt tăng bất thường, thường rơi vào các tháng hè. Bên điện lực thì năm nào cũng giải thích do nắng nóng. Nhưng nhiều gia đình thiết bị điện gần như không đổi, vậy mà hóa đơn lại đột ngột tăng gấp nhiều lần, thì thật là… phi thường!”.
Bạn Trần Toàn bức xúc hơn khi hóa đơn tăng 40% dù gia đình dùng điện ít hơn: “Tháng này trời mưa nhiều, gia đình tôi dùng điện ít hơn hẳn mà hóa đơn vẫn tăng tới 40%. Trong khi đó, ngành điện lại thông báo chỉ tăng 4,8%. Vậy tăng kiểu gì mà ra con số đó? Các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra lại cách tính này”.
Chị Nguyễn Thị Hương Quỳnh đồng tình với những bức xúc của người dân và mong mỏi cơ quan chuyên môn xem xét lại giá điện: “Lương mới tăng được một chút thì điện lại tăng theo, thử hỏi đời sống người dân sẽ ra sao? Biết rằng EVN bán điện là phải có lãi nhưng cũng phải tính toán và tăng giá sao cho hợp lý với mức sống của nhân dân”.
Ở góc nhìn khác, độc giả Thiep duc lại cho rằng do mọi người sử dụng không hợp lý các thiết bị nên mới tốn tiền. Độc giả này chia sẻ cách dùng điện không tốn kém của gia đình mình:
“Tôi thấy rất bình thường, nhà tôi tháng 6 chỉ có 510 nghìn tiền điện, nhiều hơn tháng trước khoảng 2 chục. Trong khi nhà cũng 2 điều hoà và đủ các loại thiết bị khác, còn cả máy rửa xe… Do mọi người sử dụng không hợp lý các thiết bị nên mới tốn tiền ấy.
Nhân tiện cũng chia sẻ với mọi người là thiết bị làm lạnh là tốn điện nhất, trước đây nhà tôi chỉ có một cái điều hòa cũ 12000 nhưng khi bật nó gần như không nghỉ, thêm cái tủ lạnh cũ cũng kêu ro ro cả ngày nên có tháng hè hơn 900 nghìn tiền điện. Giờ thay 2 cái điều hòa và tủ lạnh cũng đc 3 năm rồi nhưng chưa tháng nào quá 600k tiền điện, trung bình chỉ khoảng 500k. Và những thiết bị mới chỉ chạy khoảng 10-15 phút là đủ lạnh tự nghỉ nên rõ ràng là tiết kiệm hơn.
Ngoài ra cũng phải chịu khó vệ sinh dàn lạnh điều hòa, không cần gọi thợ nếu không quá bẩn, chỉ cần rút cái màng chắn bụi đem rửa là được. Nguyên lý làm việc của dàn lạnh là hút gió chạy qua dàn lạnh rồi thổi vào phòng, gió sẽ mang theo hơi lạnh làm mát phòng, khi đủ lạnh thì tự ngắt.
Nếu bụi bẩn bịt kín đường gió vào thì máy sẽ chạy suốt ngày cũng không thấy mát, trong khi dàn lạnh vì không có gió chạy qua sẽ ngưng tụ hơi nước thành đá nên có những chiếc điều hòa rơi ra đá vậy, và càng ngưng tụ thì lại càng dễ bám bụi dẫn đến bụi bẩn bị tắc cả ở trong, lúc đó thì cần có máy rửa xịt nước vào dàn lạnh để rửa, lúc đó thì cần gọi thợ đến vệ sinh”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/ban-doc/sao-khong-phai-thoi-diem-khac-ma-mua-nang-nong-lai-dieu-chinh-gia-dien-20250704123707949.htm