
Giữa cái nắng dịu nhẹ của ngày hè tháng Bảy đan xen vài cơn mưa rào bất chợt, trung tâm thủ đô Brussels như bừng lên trong sắc màu lễ hội .
Quang cảnh “Làng Cảnh sát”.
Những lá cờ ba màu đỏ – vàng – đen tung bay trên khắp quảng trường, dòng người đổ về công viên Hoàng gia ngày một đông, mang theo niềm háo hức không chỉ để kỷ niệm Quốc khánh (ngày 21/7), mà còn để trực tiếp bước vào những thế giới thường ngày vẫn khép kín quanh mình.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong tiếng nhạc rộn ràng, những gian trưng bày lần lượt mở ra như cánh cửa của một cuốn bách khoa sống động: nào là xe cảnh sát, trạm kiểm soát hải quan, lán quân đội dã chiến, cho tới mô hình phòng cháy chữa cháy và điểm hướng dẫn sơ cứu. Ở đó, người dân không chỉ xem, mà còn chạm tay, thử sức, tự mình trải nghiệm vai trò của các lực lượng gìn giữ cuộc sống thường nhật.
Cas Stockmann, 14 tuổi, cười rạng rỡ sau phần trải nghiệm ở khu quân đội, áo choàng vẫn còn vương cát bụi, nói: “Cháu chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mặc áo giáp như một người lính thật sự. Lần đầu cầm thiết bị dò mìn, cháu thấy vừa run vừa vui”.
Quốc khánh Bỉ năm nay không chỉ là lễ kỷ niệm mà thực sự là một ngày hội trải nghiệm . Hàng nghìn người dân từ khắp nơi đổ về trung tâm thủ đô không chỉ để xem, mà còn để học hỏi, thử sức và kết nối với những người thường ngày chỉ xuất hiện phía sau tin tức.
Tại “Làng cảnh sát”, công chúng được hướng dẫn cách lấy dấu vân tay, phân tích vết máu giả, quan sát mẫu tang vật, như những thám tử thực thụ.
Chị Willeman Coralie, điều tra viên của phòng thí nghiệm pháp y FPL Charleroi, tận tình giới thiệu từng quy trình với nhóm người dân. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Brussels, chị Coralie cho biết: “Mọi người tò mò, hào hứng và đặt rất nhiều câu hỏi. Đây là dịp hiếm hoi để chúng tôi chia sẻ những gì mình làm mỗi ngày, thay vì chỉ thấy qua bản tin. Mục tiêu của chúng tôi là làm rõ dấu vân tay trên tang vật do thanh tra thu thập, bằng cách sử dụng các phương pháp vật lý. Sau đó, chúng tôi chụp ảnh những dấu vân tay này và gửi đến Bảng Tra cứu quốc gia. Tại đây, họ sẽ kiểm tra xem người đó có bị lưu hồ sơ (do từng bị tình nghi hoặc bắt giữ) hay không, nhằm truy tìm nghi phạm”.
Video đang HOT
Cách đó không xa, khu hải quan thu hút đông đảo người dân khi được tham gia vào quy trình kiểm tra hành lý qua máy soi chiếu, quan sát chó nghiệp vụ tìm chất cấm và tìm hiểu cách nhận biết hàng hóa bị cấm lưu thông.
Anh Yasi – một người dân bày tỏ trong tiếng cười, khi cùng con gái trải nghiệm quy trình kiểm soát biên giới: “Giờ tôi mới hiểu vì sao mỗi lần qua sân bay lại mất thời gian đến vậy!”.
Diễu hành trên đường phố Brussels trong ngày Quốc khánh 21/7.
Không khí ở khu quân đội cũng sôi nổi chẳng kém. Những chiếc lều dã chiến phủ vải rằn ri, mô hình chướng ngại vật, thiết bị dò mìn… thu hút rất đông bạn trẻ xếp hàng tham gia. Ai cũng muốn thử khoác chiếc áo giáp nặng, đội mũ sắt và cảm nhận phần nào công việc của một người lính ngoài thao trường.
Trong khi đó, tại gian của Hội Chữ thập Đỏ, từng nhóm nhỏ thay phiên nhau thực hành sơ cứu trên mô hình: ép tim, xử lý nghẹt thở, băng bó vết thương. Các nhân viên y tế hướng dẫn tỉ mỉ, không quên nhấn mạnh từng kỹ thuật có thể cứu sống một người trong tình huống khẩn cấp.
Bà Franoise xúc động chia sẻ sau khi tự tay thực hiện xong một ca hồi sức tim phổi cơ bản: “Tôi từng chứng kiến tai nạn mà không biết làm gì. Giờ tôi nghĩ mình đã có thể giúp được ai đó”.
Điểm đặc biệt của Quốc khánh năm nay là sự tham gia của các cơ quan hành chính và dịch vụ công cộng, vốn thường chỉ thấy qua các văn bản hay cửa công. Các gian thông tin của chính quyền địa phương, thuế vụ, an sinh xã hội … đã “bước ra đường” để giới thiệu công việc hằng ngày của mình, theo cách dễ hiểu và trực quan nhất.
Người dân được hướng dẫn cách đăng ký căn cước, khai thuế, tra cứu quyền lợi xã hội, hay sử dụng các nền tảng dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt, ngay cả những người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Bỉ cũng không bỏ lỡ cơ hội tham gia. Nhiều người chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên họ hiểu rõ các quyền lợi của mình, từ đăng ký cư trú, bảo hiểm y tế đến các chương trình hỗ trợ xã hội dành cho người nước ngoài. Cách trình bày bằng nhiều ngôn ngữ, cùng sự hướng dẫn tận tình từ các nhân viên công vụ, đã giúp xóa nhòa những rào cản thường thấy với nhóm cư dân này.
Một cán bộ hành chính Bỉ nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn người dân thấy rằng hành chính không còn là điều xa vời, mà có thể đơn giản, gần gũi và hỗ trợ thiết thực cho cuộc sống nếu được tiếp cận đúng cách”.
Những lĩnh vực vốn được xem là khô khan như phòng cháy chữa cháy, giao thông đô thị hay bảo vệ môi trường cũng tham gia sự kiện bằng những mô hình và hoạt động trải nghiệm trực tiếp. Người dân được tận mắt quan sát quy trình vận hành xe cứu hỏa, học cách xử lý tình huống khẩn cấp, cách tiết kiệm năng lượng trong gia đình hay cách điều phối luồng giao thông trong thành phố.
Nhờ lối trình bày sinh động và thân thiện, các kiến thức kỹ thuật vốn khó tiếp cận bỗng trở nên dễ hiểu, gần gũi và mang tính ứng dụng cao trong đời sống thường ngày.
Không chỉ là cơ hội để trải nghiệm, ngày hội còn là dịp để người dân Bỉ cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần đoàn kết cộng đồng. Mỗi khu vực đều đan xen các hoạt động nghệ thuật đường phố, âm nhạc dân gian và trò chơi tương tác.
Diễu hành trên đường phố Brussels trong ngày Quốc khánh 21/7.
Bà Yolande, một người dân Brussels chia sẻ đầy tự hào: “Thật tuyệt vời khi người dân chúng tôi được trải nghiệm vô vàn hoạt động độc đáo chỉ có trong ngày này. Chúng tôi cùng vui chơi, không phân biệt địa vị xã hội, cùng nhau khám phá những điều chưa từng thấy và thưởng thức nghệ thuật dân gian. Đó chính là nét đặc trưng rất riêng của Bỉ và chúng tôi vô cùng tự hào về điều đó”.
Ngày Quốc khánh được ghi dấu bằng một cách kỷ niệm khác biệt: gần gũi, sâu sắc và đậm tính kết nối. Thay vì chỉ là khán giả đứng ngoài dõi theo, người dân được trực tiếp bước vào guồng máy vận hành đất nước: họ được quan sát, đặt câu hỏi, thử sức và khám phá những điều trước đây còn xa lạ. Đây không còn là dịp lễ mang tính hình thức của riêng chính quyền, mà trở thành ngày để cả cộng đồng cùng học hỏi, cùng hiểu nhau và cùng tự hào.
Châu Âu thiệt hại nặng nề vì nắng nóng kỷ lục
Những đợt nắng nóng khắc nghiệt đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế châu Âu.
Trong các mùa Hè gần đây, nắng nóng là nguyên nhân khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, trong khi thiệt hại kinh tế do thời tiết cực đoan ngày càng chất chồng.
Người dân lấy nước uống để giải nhiệt trong ngày nắng nóng tại Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, chỉ riêng ngày 1/7 vừa qua, nhiệt độ tại Uccle, một khu vực ngoại ô thủ đô Brussels, đã chạm ngưỡng 35,9 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận trong ngày đầu tháng 7 tại Bỉ, theo Viện Khí tượng Hoàng gia. Nhưng đây có thể mới chỉ là khởi đầu. Giới khí tượng dự báo những đợt nóng gay gắt hơn sẽ còn xuất hiện vào cuối tháng 7 và tháng 8, đẩy người dân vào tình trạng căng thẳng kéo dài cả về sức khỏe lẫn sinh kế.
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) gọi nắng nóng là “nguy cơ khí hậu lớn nhất đối với sức khỏe con người”. Ước tính, có đến 95% các ca tử vong liên quan đến thời tiết cực đoan là do nhiệt độ cao gây ra. Thế nhưng, thảm họa này vẫn diễn ra âm thầm. Năm 2022, khoảng 70.000 người đã thiệt mạng vì nắng nóng tại châu Âu. Con số này trong năm 2023 là hơn 47.000 người. Song tình trạng này vẫn chưa được nhìn nhận đầy đủ như một nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Thiệt hại do nắng nóng không dừng lại ở số người tử vong, mà còn lan rộng đến toàn bộ nền kinh tế. Theo dữ liệu của EEA, tổng thiệt hại do các hiện tượng khí hậu cực đoan, trong đó có nắng nóng, đã vượt quá 790 tỷ euro từ năm 1980 đến 2023. Riêng năm 2023, con số này lên tới 45 tỷ euro. Trong một số đợt nóng kéo dài, tổn thất có thể chiếm tới 0,5% GDP mỗi năm. Nếu không có biện pháp ứng phó hiệu quả, thiệt hại có thể vượt 3% GDP tại nhiều quốc gia Nam Âu vào năm 2060.
Hậu quả không chỉ dừng lại ở thiệt hại tài chính. Nhiệt độ cao còn làm giảm năng suất lao động, hư hại cơ sở hạ tầng như đường sắt, cầu đường, và gây áp lực nghiêm trọng lên lưới điện do nhu cầu sử dụng điều hòa, làm mát tăng vọt.
Thực tế, kể từ đầu thế kỷ 21, châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt về tần suất, cường độ và thời gian kéo dài của các đợt nắng nóng. Những ngày có khí hậu mang tính nhiệt đới xuất hiện sớm hơn trong năm, và nguy cơ sức khỏe từ nhiệt độ cao hiện không còn giới hạn trong vài tuần ngắn ngủi của mùa Hè.
Trong bối cảnh lục địa già đang ấm lên nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu, các chuyên gia cảnh báo: nắng nóng sẽ không chỉ lặp lại mà còn trở nên cực đoan hơn trong mọi kịch bản biến đổi khí hậu.
Trong bức tranh đầy thách thức ấy, nắng nóng không còn là hiện tượng thời tiết bất thường, mà đang trở thành chỉ dấu đáng báo động về tương lai mà châu Âu và cả thế giới phải đối mặt.
Nguồn: https://vietgiaitri.com/nguoi-dan-bi-hao-hung-tham-gia-ngay-hoi-trai-nghiem-20250723i7493269/?campid=cWNfZmFjZWJvb2t8Y3BjfFZHVDAwMS1MaW5rXzIwMjUwNzIzfDEyOjM0OjQ4