Nga cảnh báo đanh thép lực lượng liên minh ở Ukraine

Nga cảnh báo đanh thép lực lượng liên minh ở Ukraine
Nga cảnh báo đanh thép lực lượng liên minh ở Ukraine

Nga tuyên bố coi lực lượng của “ liên minh tự nguyện ” ở Ukraine là mục tiêu tấn công quân sự hợp pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: TASS)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 17/7 cảnh báo, Moscow coi ý tưởng thành lập một “liên minh tự nguyện” nhằm triển khai lực lượng đa quốc gia tại Ukraine là hành động can thiệp quân sự. Do vậy, Moscow sẽ coi các đơn vị này là mục tiêu tấn công quân sự hợp pháp.

“Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc triển khai lực lượng vũ trang của các quốc gia khác tới Ukraine, dù với bất kỳ lý do gì, là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi xem đây là bước chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự từ nước ngoài. Các lực lượng đa quốc gia như vậy sẽ bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp”, bà Zakharova nhấn mạnh.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của liên minh do các nước phương Tây khởi xướng. Văn phòng Thủ tướng Anh Keir Starmer sau đó cho biết sở chỉ huy của liên minh sẽ được đặt tại Paris dưới quyền một tướng cấp cao, và dự kiến chuyển đến London sau một năm.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bác bỏ ý tưởng thành lập lực lượng này, gọi đó là “ảo tưởng” của những người “muốn tạo danh tiếng trên trường quốc tế”.

Video đang HOT

Cảnh báo từ phía Nga làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Moscow và các quốc gia phương Tây, trong bối cảnh những nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Ukraine tiếp tục gia tăng.

Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với các nước phương Tây về việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo đó, Washington sẽ cấp cho Kiev những vũ khí phòng vệ then chốt nhằm đối phó với các làn sóng không kích của Nga, nhưng các nước châu Âu sẽ là bên chi trả cho số vũ khí đó.

Bài viết liên quan  Cán bộ CSGT bị đề nghị điều chuyển khi nói dân ‘mồm thối’

Ông Trump nói, NATO sẽ chi trả 100% cho các loại vũ khí của Mỹ gửi đến Ukraine.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết nhiều quốc gia sẽ tham gia sáng kiến này, bao gồm Đức, Vương quốc Anh, Hà Lan, Canada cùng với các nước Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy. Tuy nhiên, Pháp và Italy sẽ không tham gia.

Theo Politico, Pháp từ chối vì muốn ưu tiên xây dựng nền công nghiệp quốc phòng châu Âu, đặc biệt là ngành sản xuất quốc phòng trong nước. Trong khi đó, Italy cũng không tham gia vì nước này không cảm thấy bị Nga đe dọa như các đồng minh NATO khác và không có kế hoạch mua sắm vũ khí từ Mỹ hay châu Âu với số lượng lớn.

Một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Pháp tiết lộ, cả Pháp và Italy đã hy vọng đạt được một thỏa thuận tương tự thỏa thuận tại Nhà Trắng, nhưng thay vì hệ thống Patriot, họ muốn thúc đẩy việc đặt hàng hệ thống phòng không SAMP/T do Pháp và Italy hợp tác phát triển.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất SAMP/T hiện chưa thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu, và không quân Pháp cũng muốn giữ lại đủ hệ thống để bảo vệ lực lượng răn đe hạt nhân trên không của nước này.

Theo chuyên gia Ed Arnold từ Viện Nghiên cứu Hoàng gia về Quốc phòng và An ninh (RUSI), châu Âu và Canada đang đi trên lằn ranh giữa mong muốn duy trì sự hiện diện an ninh của Mỹ và việc giảm phụ thuộc vào thiết bị quân sự Mỹ. Dù các quốc gia NATO đồng thuận rằng châu Âu cần gia tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng vẫn thiếu rõ ràng, và sự khác biệt về ưu tiên giữa các nước thành viên là rất lớn.

Bài viết liên quan  Vì sao thầy bói không biết bạn là ai nhưng lại biết rõ chuyện gia đình bạn? Lý do quá đơn giản

Một vấn đề cấp bách đặt ra là năng lực mở rộng của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu trong một đến hai năm tới.

“Châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ trang bị trong ngắn và trung hạn, do đó chính phủ các nước sẽ phải tìm đến Mỹ hoặc Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu cấp thời”, chuyên gia Arnold nhận định.

Anh hủy kế hoạch triển khai quân đội tới Ukraine

Ngày 25/4, đài RT dẫn nguồn từ một số báo cáo cho biết Vương quốc Anh đã hủy bỏ kế hoạch triển khai lực lượng quân sự tới Ukraine trong trường hợp đạt được một lệnh ngừng bắn.

Các quân nhân Ukraine cùng với các huấn luyện viên quân sự Anh. Ảnh: RT/Globallookpress.com

Trong những tuần gần đây, các nhà lãnh đạo quốc phòng từ một số quốc gia châu Âu thuộc NATO đã thảo luận về việc gửi quân tới Ukraine theo hình thức “liên minh tự nguyện”. Nga đã nhiều lần phản đối mạnh mẽ khả năng quân đội phương Tây hiện diện tại nước láng giềng này dưới bất kỳ hình thức nào.

Báo The Times trích lời một nguồn tin giấu tên cho biết rủi ro từ kế hoạch triển khai quân đội được đánh giá là quá lớn, trong khi lực lượng hiện có không đủ để thực hiện. Cũng theo tờ báo, Pháp đã thúc đẩy một cách tiếp cận cứng rắn hơn so với các quốc gia khác trong liên minh.

Theo kế hoạch ban đầu, các lực lượng liên quân sẽ bảo vệ các thành phố, cảng biển và nhà máy điện hạt nhân trọng yếu của Ukraine. Tuy nhiên, phương án hiện nay chuyển sang triển khai các huấn luyện viên quân sự phương Tây tới khu vực phía tây Ukraine nhằm hỗ trợ đào tạo lực lượng địa phương, với mục đích “trấn an” bằng sự hiện diện, nhưng không đóng vai trò như lực lượng bảo vệ hay răn đe.

Bài viết liên quan  Hôm nay tôi mới biết, rắc 1 nắm muối trắng vào máy giặt lợi hại đến thế

Ngoài ra, kế hoạch điều chỉnh còn bao gồm khả năng máy bay của liên quân tiến hành tuần tra không phận Ukraine, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm việc hỗ trợ bảo vệ trên biển. London và Paris cũng mong muốn đảm bảo dòng vũ khí viện trợ cho Ukraine không bị gián đoạn.

Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ với The Times rằng quyết tâm của “liên minh tự nguyện” đang suy giảm, song vẫn còn những nỗ lực nhằm buộc Moskva phải vượt qua các giới hạn đỏ do phương Tây đặt ra.

Trong một diễn biến liên quan, Reuters đưa tin Mỹ đã đề xuất một sáng kiến nhằm giải quyết xung đột Ukraine, do đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, ông Steve Witkoff, trình bày tại các cuộc đàm phán ở Paris. Theo đề xuất, một nhóm gồm các quốc gia châu Âu và một số quốc gia ngoài khu vực sẽ cùng tham gia bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Một văn bản phản đối do một số quốc gia châu Âu và Ukraine đề xuất, cũng được Reuters đề cập, yêu cầu “không có hạn chế nào đối với sự hiện diện, vũ khí và hoạt động của các lực lượng nước ngoài thân thiện trên lãnh thổ Ukraine”.

Trong cuộc phỏng vấn với TASS, ông Sergey Shoigu, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cảnh báo rằng sự hiện diện của quân đội phương Tây tại Ukraine có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Moskva và NATO, với nguy cơ leo thang thành chiến tranh thế giới thứ ba. Ông Shoigu nhấn mạnh Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị xâm lược, bất kể hành động xâm lược đó được tiến hành bằng vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn: https://vietgiaitri.com/nga-canh-bao-danh-thep-luc-luong-lien-minh-o-ukraine-20250718i7489721/?campid=cWNfZmFjZWJvb2t8Y3BjfFZHVDAwMS1MaW5rXzIwMjUwNzE4fDEzOjU5OjQz