
Tài xế 28 tuổi đột quỵ sau khi trả khách , xuất huyết não nặng. Bác sĩ khuyến cáo tài xế cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng ngừa nguy cơ.
Ngày 8.7, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận một ca đột quỵ nặng là anh N.N.T (28 tuổi), tài xế xe khách liên tỉnh. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xuất huyết não bán cầu trái, đang thở máy và được hồi sức tích cực . Diễn tiến bệnh rất nặng.
Theo thông tin ban đầu, sáng cùng ngày, sau khi vừa dừng xe để trả khách trên địa bàn phường Bình Phú (TP.HCM), nam tài xế bất ngờ co giật , co gồng toàn thân, sùi bọt mép và yếu liệt nửa người bên phải. Người dân xung quanh phát hiện sự việc, gọi cấp cứu 115 và giữ nguyên hiện trường để nhân viên y tế tiếp cận.
Nam tài xế trẻ đột quỵ tại ghế lái sau khi vừa trả khách
ẢNH: BS
Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại Bệnh viện Gia An 115 nhanh chóng có mặt và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 để cấp cứu chuyên sâu.
Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết đây là trường hợp đột quỵ xuất huyết não nguy kịch. Ông nhấn mạnh: đối với tài xế chuyên nghiệp, đặc biệt là người thường xuyên lái xe đường dài, lái đêm, cần định kỳ kiểm tra sức khỏe để tầm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn giấc ngủ hoặc tiền sử co giật. Ngoài ra, thói quen sử dụng thuốc chống buồn ngủ không kiểm soát cũng có thể làm huyết áp tăng vọt và dẫn đến đột quỵ.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy nam tài xế bị xuất huyết não bán cầu trái rất nặng
ẢNH: BSCC
Video đang HOT
Phó giáo sư – tiến sĩ Huy Thắng cũng lưu ý: khi phát hiện người bị đột quỵ, cần sơ cứu ban đầu bằng cách cho người bệnh nằm nghiêng, nới rộng cổ áo, giữ đường thở thông thoáng và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có khả năng xử trí đột quỵ để tranh thủ “thời gian vàng” tái thông mạch máu.
Thời gian gần đây đã ghi nhận một số trường hợp tài xế đột quỵ khi đang điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng cho bản thân và hành khách. Do đó, các tài xế hành nghề cần đặc biệt chú ý chăm sóc sức khỏe, tuân thủ khám định kỳ và tuyệt đối không lạm dụng thuốc kích thích để tỉnh táo khi lái xe.
Nam tài xế bị đột quỵ được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115. Bác sĩ khuyến cáo tài xế chuyên nghiệp lái xe đường dài, lái xe đêm cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, không lạm dụng các chất kích thích
ẢNH: BSCC
Đột quỵ ở tuổi thiếu niên
Trong khi thế giới ghi nhận độ tuổi mắc đột quỵ trung bình là 70-75, thì tại Việt Nam, nhiều bệnh viện đang tiếp nhận bệnh nhân mới ở tuổi 50, thậm chí dưới 20.
“Ngồi họp giao ban, nhìn lại danh sách 49 bệnh nhân đột quỵ mới nhập viện trong ngày hôm qua, số người dưới 56 tuổi đã chiếm gần 50%”.
Dòng chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), không khỏi khiến nhiều người giật mình về thực trạng căn bệnh đột quỵ hiện nay.
Từ lâu nay, đột quỵ luôn được gắn mác là “bệnh người già”. Tuy nhiên, trên thực tế, độ tuổi người mắc căn bệnh này đang có sự chuyển dịch sang độ tuổi trẻ hơn.
Nhiều bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 chưa tới 56 tuổi (Ảnh: BS).
15 tuổi đã bị đột quỵ
Nhớ lại những ca bệnh tiếp nhận khoảng thời gian gần đây, PGS Thắng không thể quên hai ca bệnh đặc biệt mới chỉ 15 tuổi. Hai người bệnh, một nam, một nữ cùng nhập viện với những dấu hiệu điển hình của đột quỵ như liệt nửa người, méo miệng và nói đớt.
Với bệnh nhân nữ, nhờ người nhà phát hiện sớm các biểu hiện bất thường, em nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 và can thiệp kịp thời.
Không may mắn như trường hợp trên, nam bệnh nhân kia được đưa đến một cơ sở y tế tuyến dưới nhưng không xác định được nguyên nhân. Chỉ đến khi tình trạng ngày càng nặng, các triệu chứng không thuyên giảm sau 2-3 ngày, gia đình mới chuyển em lên Bệnh viện Nhân dân 115.
Qua hội chẩn, cả hai người bệnh được xác định bị hẹp động mạch não, khiến dòng máu lên não bị tắc nghẽn, dẫn đến đột quỵ. Sau khi được can thiệp lấy huyết khối và điều trị tích cực, cả hai đã hồi phục.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, hiện tượng người trẻ bị đột quỵ không còn là cá biệt mà đang trở thành một xu hướng đáng báo động, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Trẻ hóa độ tuổi người bệnh bị đột quỵ đang là xu hướng đáng báo động ở cả thế giới và Việt Nam. (Ảnh minh họa: iStock)
Độ tuổi bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam trẻ hơn nhiều so với thế giới
Mỗi năm, thế giới có hơn 14 triệu ca đột quỵ não mới, gây ra cái chết cho 6,5 triệu người. Trung bình, cứ 3 giây trôi qua, toàn cầu lại có 1 người bị đột quỵ.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các nghiên cứu từ Đại học Oxford và Đại học Y khoa Yale, tuổi trung bình mắc bệnh đột quỵ trong dân số nói chung dao động 70-75 tuổi. Con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào khu vực địa lý, giới tính, và các yếu tố nguy cơ.
Tại Việt Nam, thống kê của WHO trong năm 2020 ghi nhận gần 160.000 ca tử vong do đột quỵ, bao gồm tắc mạch não và xuất huyết não. Trong số đó, khoảng 2.300 bệnh nhân đăng ký tại RES-Q – nghiên cứu đầu tiên trên toàn cầu để cải thiện chất lượng đơn vị đột quỵ – có độ tuổi khoảng 60.
“Điều này có nghĩa, tuổi mắc phải đột quỵ ở Việt Nam đang thấp hơn khoảng 10 tuổi so với số liệu các nước phát triển. Hay nói một cách khác, bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam đang trẻ hơn”, PGS Thắng nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Thắng, không riêng ở Việt Nam, việc gia tăng tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tại các nước đang phát triển là một vấn đề đáng lo ngại, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ông cho biết, ngày càng có nhiều người trẻ mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu – những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Điều đáng lo là các bệnh này xuất hiện ở độ tuổi ngày càng trẻ.
“Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống ít vận động, chế độ ăn không lành mạnh (nhiều đồ ăn nhanh, ít rau củ), và béo phì – căn bệnh dần trở nên phổ biến trong bối cảnh hiện đại hóa”, ông nhận định.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng làm thay đổi thói quen sống của người trẻ. Họ phải đối mặt với căng thẳng kéo dài từ công việc, học tập và cuộc sống thành thị, dễ hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích. Tất cả đều góp phần gây tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ đột quỵ.
Vị chuyên gia cũng cảnh báo về ảnh hưởng âm thầm nhưng nghiêm trọng của ô nhiễm không khí – một vấn đề phổ biến tại các đô thị lớn.
“Ở nhiều thành phố lớn tại các nước đang phát triển, ô nhiễm không khí đạt mức báo động. Các nghiên cứu gần đây cũng gợi ý mối liên quan giữa ô nhiễm môi trường và việc tăng nguy cơ đột quỵ”, ông chia sẻ.
Một vấn đề khác là việc tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế ở nhiều nơi. Hệ thống tầm soát các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường chưa thực sự hiệu quả. Nhiều người trẻ bị đột quỵ mà trước đó chưa từng biết mình có bệnh lý nền, đến khi phát hiện thì đã muộn.
Ngoài ra, yếu tố di truyền và chủng tộc cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ. Một số nhóm dân cư vốn đã có nguy cơ cao về bệnh mạch máu não, khi kết hợp với lối sống thiếu lành mạnh, sẽ khiến nguy cơ đột quỵ càng sớm và nặng hơn.
Cuối cùng, điều khiến PGS Thắng trăn trở nhất là nhiều người trẻ hoàn toàn không có nhận thức về đột quỵ.
“Nhiều người có tâm lý chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp, làm tăng tỷ lệ tử vong hoặc biến chứng nghiêm trọng”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Nguồn: https://vietgiaitri.com/nam-tai-xe-tre-dot-quy-tai-ghe-lai-sau-khi-vua-tra-khach-20250708i7482304/?campid=cWNfZmFjZWJvb2t8Y3BjfFZHVDAzNi1MaW5rXzIwMjUwNzA4fDIyOjI4OjE4