Hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng vọt, người dân “bật ngửa”, điện lực nói lý do

Hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng vọt, người dân “bật ngửa”, điện lực nói lý do
Hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng vọt, người dân “bật ngửa”, điện lực nói lý do

Không ít người “bật ngửa” vì hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng. Đơn vị điện lực nói do giá điện tăng 4,8% từ 10/5 và nhu cầu sử dụng điện tăng khi kỳ nghỉ hè của học sinh trùng với cao điểm nắng nóng.

Nhận thông báo hóa đơn tiền điện tháng 6, anh Nguyễn Minh Hiếu (phường Đông Kinh, tỉnh Lạng Sơn) tá hỏa khi biết tiền điện tháng 6 của cơ sở sản xuất là hơn 10 triệu đồng, tương ứng với sản lượng tiêu thụ 4.380kWh. Anh Hiếu kể trung bình tiền điện thường chỉ dao động khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/tháng, có những tháng chỉ 300.000-400.000 đồng.

“Do bên tôi là cơ sở sản xuất kinh doanh, nên tiền điện thường được tính rất kỹ để tính vào giá thành sản phẩm, các hóa đơn đều lưu giữ đầy đủ. Tiền điện tăng cao bất thường gấp 10 lần nên tôi đã khiếu nại lên cơ quan điện lực. Tuy nhiên khi cơ quan điện lực đến kiểm tra lại không thấy sự bất thường”, anh Hiếu nói.

Hóa đơn tiền điện nhiều nơi tăng vọt

Cơ sở của anh Hiếu sử dụng nhân công để làm việc là chính, máy móc chỉ góp một phần nhỏ. Điện thiết bị chủ yếu là để thắp sáng và dùng quạt. Loại máy móc tốn nhiều điện năng nhất là máy ép kiện công suất là 11kW một giờ. Một ngày, cơ sở chỉ sử dụng máy khoảng 3 giờ làm việc.

“Cơ sở hoạt động 8 tiếng ngày. Giả sử, cơ sở sử dụng máy ép kiện liên tục trong 8 tiếng là 88kW một ngày thì cũng chỉ tiêu tốn 2.640kWh/tháng, tức 5,8 triệu đồng tiền điện, khó mà lên tới 10 triệu đồng/tháng được”, anh Hiếu khẳng định.

Bài viết liên quan  Ngày sinh Âm lịch của người càng già càng giàu

Hóa đơn tiền điện tháng 6 của anh Hiếu tăng gấp gần 10 lần (Ảnh: Thanh Thương).

Tương tự, anh Đào Viết Công (phường Bạch Mai, Hà Nội) cũng kể tháng vừa rồi, hóa đơn tiền điện gia đình anh tăng 200.000 đồng dù anh không sử dụng nhiều thiết bị điện hơn tháng trước, điều hòa chỉ bật 1-2 giờ buổi tối ở mức 26-29 độ C. Các tháng trước đó, hóa đơn tiền điện của gia đình anh thường ở quanh mức 500.000-600.000 đồng.

Chị Trần Thị Hồng (phường Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng “ngã ngửa” khi vừa phải thanh toán hơn 5,3 triệu đồng tiền điện vào ngày 1/7 vừa qua. Nhà chị là cơ sở cho thuê lưu trú ngắn hạn, mùa cao điểm nhất mọi năm tiền điện cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Nhưng tháng vừa rồi, lượng khách chỉ lác đác nhưng hóa đơn nhà chị tăng gần gấp đôi.

Không chỉ anh Hiếu, anh Công, chị Hồng, không ít hộ sử dụng điện tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc cũng bày tỏ thắc mắc trước việc hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng vọt so với thường lệ. Trên các diễn đàn, nhiều tài khoản bình luận tiền điện tăng 20-50% dù thời tiết không nắng nóng nhiều và gay gắt như tháng trước.

Trong khi đó, nhiều hộ dân lại ghi nhận hóa đơn điện tháng 6 giảm so với tháng 5. Chị Nguyễn Thị Huyền (phường Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh) cho biết tháng 6 nhà chị sử dụng 206kWh nên hóa đơn điện chưa đến 500.000 đồng. Trong khi tháng 5 tiền điện phải trả hơn 670.000 đồng.

Chị Huyền cho biết gia đình chị vẫn sử dụng các thiết bị như bình thường, không cắt giảm gì nhiều, chỉ cố gắng tắt bớt đèn và điều hòa khi không cần thiết. “Hóa đơn tháng vừa qua giảm đáng kể khiến tôi cũng bất ngờ. Có thể do thời tiết tháng 6 dịu hơn, ít phải bật điều hòa liên tục như tháng trước”, chị nói.

Bài viết liên quan  4 dấu hiệu linh vật “ghé thăm” ban đêm – Điềm báo trúng lộc trời cho

Công ty điện lực nói gì?

Trước việc nhiều người dân ở Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện trong tháng 6 tăng đột biến so với bình thường, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết trong tháng 6, sản lượng điện bình quân theo ngày trên toàn địa bàn Hà Nội đạt hơn 90 triệu kWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng trong tháng 6 đạt xấp xỉ 2.700 triệu kWh, trong đó mức đỉnh được ghi nhận vào ngày 2/6 với 110,9 triệu kWh – cao nhất từ đầu năm đến nay.

Riêng nhóm khách hàng thuộc thành phần quản lý tiêu dùng dân cư chiếm hơn 59,5% tổng sản lượng, tăng 1,15 lần so với tháng 5. Theo đơn vị trên, điều này phản ánh tác động trực tiếp của thời tiết tới hành vi sử dụng điện trong các hộ gia đình. Đặc biệt, kỳ nghỉ hè của học sinh trùng với cao điểm nắng nóng, dẫn đến thời gian sử dụng điều hòa và các thiết bị điện kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm.

Sản lượng điện trung bình tiêu thụ điện trên địa bàn TP Hà Nội (Ảnh: EVN Hà Nội).

Theo cơ quan điện lực, nhiệt độ cao không chỉ làm tăng tần suất sử dụng điện mà còn khiến các thiết bị làm mát tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để duy trì hiệu quả vận hành. Khi chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời lớn, điều hòa phải hoạt động liên tục, ít ngắt máy, dẫn đến mức tiêu thụ điện tăng cao dù thời lượng sử dụng không thay đổi.

Bài viết liên quan  Một gia đình bán cơm online từ 2018 bị truy thu thuế hơn 1 tỷ đồng: Cục thuế nói gì?

Ngoài ra, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện sinh hoạt theo Quyết định 1279 từ ngày 10/5 với mức tăng 4,8% ở tất cả bậc thang cũng là yếu tố khiến chi phí điện của các hộ gia đình trong tháng 6 tăng cao.

“Lượng điện năng tiêu thụ tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh và các cháu nhỏ nghỉ hè ở nhà làm tổng số tiền điện tháng 6 các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước”, phía EVN Hà Nội lý giải.

Đơn vị điện lực khuyến cáo người dân chủ động theo dõi lượng điện tiêu thụ của gia đình hàng ngày và thường xuyên kiểm tra sản lượng điện, đặt ngưỡng cảnh báo khi vượt mức tiêu thụ bình thường…

Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/5 và được áp dụng kể từ ngày thực hiện điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân gần nhất sau ngày quyết định này có hiệu lực thi hành.

Theo đó, biểu giá bán lẻ điện rút ngắn từ 6 xuống còn 5 bậc, giá điện thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.984 đồng/kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.967 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế VAT.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/hoa-don-tien-dien-thang-6-tang-vot-nguoi-dan-bat-ngua-20250703175653671.htm