
Liên danh Thuận An – Hiệp Phú – Licogi 14 trúng thầu gói số 26 dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ với giá trị hơn 487 tỷ đồng, còn 2 công ty “xanh – đỏ” đã trượt thầu theo đúng “kịch bản”.
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An , VKSND Tối cao đã chỉ ra những vi phạm trong việc đấu thầu và thực hiện một gói thầu trên cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ.
Theo cáo trạng, Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Tập đoàn Thuận An) quen ông Trần Viết Cương, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án Tuyên Quang.
Do đó, tháng 6/2021, khi biết Ban chuẩn bị triển khai đấu thầu gói thầu số 26 dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, Hưng đề nghị Cương cho tham gia thi công, nhưng Cương yêu cầu Thuận An phải liên danh với 2 doanh nghiệp khác là Hiệp Phú và Licogi 14.
Sau đó, 3 doanh nghiệp này làm hồ sơ liên danh để đấu thầu, thi công gói thầu số 26 nêu trên. Tuy nhiên, giữa tháng 6/2021, Hưng lại đưa Công ty Việt Tiến TVT cùng tham gia với liên danh.
Trong đó, Thuận An chịu trách nhiệm cung cấp vật tư, quản lý chất lượng, còn Việt Tiến sẽ thi công.
Để đảm bảo việc đấu thầu đúng quy định, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Hiệp Phú, Nguyễn Xuân Thành, đã liên hệ Công ty 68 làm “quân xanh”, còn Nguyễn Ngọc Thái (Phó Giám đốc Công ty Việt Tiến) nhờ Công ty Tự Lập làm “quân đỏ”.
Video đang HOT
Kết quả, liên danh Thuận An – Hiệp Phú – Licogi 14 đã trúng thầu với giá trị hơn 487 tỷ đồng, còn 2 công ty “xanh – đỏ” nêu trên trượt thầu theo đúng “kịch bản”.
Sau khi trúng thầu, Tập đoàn Thuận An cung cấp vật tư đầu vào và quản lý chất lượng, còn lại giao cho Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty Việt Tiến, quản lý, điều hành 3 nhà thầu phụ thi công toàn bộ phần khối lượng công việc của Thuận An.
Đồng thời, Hưng thu 14% tiền “cơ chế” của 3 đơn vị trên theo giá trị hợp đồng. Để có tiền chi cho chủ đầu tư, Hưng gửi giá, thu tổng hơn 5,8 tỷ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào của nhà cung cấp vật liệu, thi công nổ mìn.
Sau khi tạo điều kiện cho liên danh Thuận An – Hiệp Phú – Licogi 14 trúng thầu, cáo trạng cáo buộc ông Cương đã nhận 12,5 tỷ đồng từ 3 doanh nghiệp, trong đó riêng Thuận An đưa 8 tỷ đồng.
Tại gói thầu của dự án này, cơ quan tố tụng xác định hậu quả thiệt hại mà các bị can đã gây ra là hơn 9,8 tỷ đồng.
Cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ (Ảnh: Ngọc Tân).
Liên quan đến sai phạm tại dự án này, tháng 10/2024, Bộ Chính trị kết luận Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong đó, cá nhân ông Chẩu Văn Lâm, bị xác định trong thời gian là Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Lâm cũng bị kết luận đã vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.
Do đó, Bộ Chính trị đã kỷ luật cảnh cáo đối với ông Chẩu Văn Lâm.
Trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng của vụ án này, cơ quan tố tụng không nhắc đến vai trò hay trách nhiệm của ông Chẩu Văn Lâm.
Tuy nhiên, ở phụ lục thống kê người liên quan nộp tiền khắc phục hậu quả thiệt hại của vụ án, xuất hiện một cá nhân tên Chẩu Văn Lâm nộp 1 tỷ đồng, nhưng không rõ lai lịch, chức vụ.
Nguồn: https://vietgiaitri.com/de-trung-thau-tap-doan-thuan-an-bo-tri-quan-xanh-quan-do-nhu-the-nao-20250716i7487720/?campid=cWNfZmFjZWJvb2t8Y3BjfFZHVDA0MS1IaW5oXzIwMjUwNzE2fDE3OjI0OjE2