
Từ ngày 1/7/2025, nhiều địa phương trên cả nước chính thức thực hiện việc sáp nhập theo đề án mới. Những thay đổi này không chỉ làm thay đổi diện mạo hành chính mà còn kéo theo nhiều “kỷ lục” mới về dân số, diện tích, ngân sách, thu nhập… Dưới đây là tổng hợp các địa phương nổi bật với những con số “nhất” sau quá trình sáp nhập.
Thành phố đông dân nhất cả nước
TP.HCM chính thức trở thành thành phố đông dân nhất Việt Nam với khoảng 14 triệu người sau khi sáp nhập thêm hai địa phương là Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương. Với quy mô dân số này, TP.HCM thậm chí còn vượt qua một số quốc gia nhỏ trên thế giới về mặt dân số.
Ảnh: Báo Nhân Dân
Tuy nhiên, nếu xét về mật độ dân số, Hà Nội mới là địa phương dẫn đầu với hơn 2.600 người/km². TP.HCM xếp thứ hai với khoảng 2.000 người/km², tiếp theo là Hải Phòng với mật độ trên 1.460 người/km².
Tỉnh có dân số thấp nhất sau sáp nhập là Lai Châu với 512 nghìn người. Với diện tích tự nhiên hơn 9.000 km², mật độ dân số ở đây chỉ đạt khoảng 56 người/km². Trong khi đó, thành phố có dân số ít nhất là Huế với khoảng 1,4 triệu người và mật độ dân số là 289 người/km².
Thành phố có diện tích lớn nhất
Đà Nẵng, sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, đã trở thành thành phố có diện tích lớn nhất trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích lên tới 11.860 km². Trong khi đó, dù sáp nhập với tỉnh Hải Dương, Hải Phòng vẫn là thành phố có diện tích nhỏ nhất trong nhóm này với 3.195 km².
Ảnh: Báo Chính Phủ
Tỉnh Lâm Đồng, sau khi hợp nhất với Đắk Nông và Bình Thuận, đã trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, lên tới trên 24.200 km². Quy mô dân số cũng tăng lên khoảng 3,87 triệu người. Việc hợp nhất này mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Sau sáp nhập, tỉnh Hưng Yên dù đã mở rộng đáng kể khi hợp nhất với Thái Bình (diện tích gần 1.600 km²), nhưng vẫn là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước với khoảng 2.515 km². Dù diện tích nhỏ, mật độ dân số của Hưng Yên lại thuộc hàng cao với hơn 1.400 người/km².
Địa phương thu ngân sách cao nhất
TP.HCM cũng vượt qua Hà Nội để trở thành địa phương có mức thu ngân sách cao nhất năm 2024 với tổng thu hơn 681.935 tỷ đồng, chiếm gần 31% tổng thu cả nước. Trước đó, Hà Nội là địa phương dẫn đầu về thu ngân sách.
Ảnh: Báo Lao Động
Kết quả này có được phần lớn nhờ sự “đóng góp” từ Bà Rịa – Vũng Tàu (gần 100.000 tỷ đồng) và Bình Dương (hơn 76.000 tỷ đồng) – hai địa phương nằm trong nhóm có mức thu ngân sách cao của cả nước.
Trong số các tỉnh, Đồng Nai vươn lên dẫn đầu về thu ngân sách sau sáp nhập với tổng thu hơn 73.000 tỷ đồng. GRDP năm 2024 đạt hơn 609.000 tỷ đồng. Xếp ngay sau là Thanh Hóa với mức thu hơn 56.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có bốn tỉnh có mức thu ngân sách vượt 50.000 tỷ đồng gồm Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về mức thu nhập bình quân đầu người sau sáp nhập, đạt 89 triệu đồng/năm. TP.HCM giữ vị trí thứ hai với 86,5 triệu đồng và Hải Phòng ở vị trí thứ ba với 78,6 triệu đồng. Đồng Nai cũng có mức thu nhập cao, đạt khoảng 72,75 triệu đồng/năm.
Ảnh: Internet
Trước đó, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất với mức 107,6 triệu đồng/năm.
Tỉnh tiếp giáp với nhiều tỉnh thành nhất
Sau sáp nhập, Phú Thọ là tỉnh có số lượng tỉnh, thành tiếp giáp nhiều nhất – lên đến 7 địa phương. Cụ thể, Phú Thọ giáp ranh với Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Điều này tạo ra lợi thế lớn trong kết nối giao thương và phát triển vùng.
Tỉnh có đường bờ biển dài nhất
Tỉnh Khánh Hòa sau khi hợp nhất với Ninh Thuận đã trở thành địa phương có đường bờ biển dài nhất Việt Nam. Trước khi sáp nhập, Khánh Hòa có bờ biển dài 385 km, còn Ninh Thuận là 105 km. Việc kết nối hai tuyến đường ven biển sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ ngành du lịch và kinh tế biển của khu vực.
Ảnh: Internet
Theo Đời sống & Pháp luật
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/doc-bao-gium-ban/nhung-cai-nhat-cua-cac-tinh-thanh-sau-ngay-17