Campuchia và Thái Lan nhất trí để Malaysia làm trung gian hòa giải

Campuchia và Thái Lan nhất trí để Malaysia làm trung gian hòa giải
Campuchia và Thái Lan nhất trí để Malaysia làm trung gian hòa giải

Thái Lan và Campuchia đã nhất trí để Malaysia đóng vai trò trung gian hòa giải trong việc giải quyết xung đột biên giới sau 4 ngày giao tranh.

Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan (Ảnh: Malaymail).

Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan hôm nay 27/7 thông báo Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai dự kiến sẽ có mặt tại Malaysia vào tối 28/7.

“Hai nhà lãnh đạo hoàn toàn tin tưởng Malaysia và đề nghị tôi làm trung gian hòa giải”, ông Mohamad nói.

Ngoại trưởng Malaysia cho biết ông đã trao đổi với những người đồng cấp Campuchia và Thái Lan và họ nhất trí rằng “không quốc gia nào khác nên can dự vào vấn đề này”.

Ông Jirayu Huangsap, người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng và là thành viên của Trung tâm Quản lý Tình hình Biên giới Thái Lan – Campuchia, hôm nay xác nhận các nhà lãnh đạo Thái Lan đã nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, tham gia đối thoại hòa bình khu vực tại Kuala Lumpur vào ngày 28/7.

Phái đoàn Thái Lan, do Quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai dẫn đầu, dự kiến khởi hành vào khoảng 10h30 và gặp gỡ các đối tác tại Văn phòng Thủ tướng Malaysia lúc 15h giờ địa phương.

Ông Jirayu xác nhận rằng Thủ tướng Anwar cũng đã mời phía Campuchia, trong đó Thủ tướng Hun Manet dự kiến sẽ đích thân tham dự cuộc họp.

Bài viết liên quan  Ai mua bán nhà đất Giấy tờ viết tay: Làm ngay 1 việc này sẽ được cấp Sổ Đỏ

Trước đó, Thái Lan và Campuchia đều tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn trong cuộc giao tranh đang diễn ra bằng máy bay chiến đấu, xe tăng và bộ binh, nhưng cáo buộc bên kia cản trở các nỗ lực đình chiến.

Các phương tiện quân sự hoạt động ở tỉnh Sisaket, Thái Lan giữa bối cảnh đụng độ xảy ra giữa Thái Lan và Campuchia. Ảnh: Reuters

Sau phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York, Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc Chhea Keo cho biết Campuchia mong muốn một lệnh ngừng bắn.

“Campuchia đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức – vô điều kiện – và chúng tôi cũng kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”, ông nói với các phóng viên.

Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa ngày 26/7 tuyên bố, để bất kỳ lệnh ngừng bắn hoặc đàm phán nào được tiến hành, Campuchia cần thể hiện “sự chân thành thực sự trong việc chấm dứt xung đột”. Ông kêu gọi Campuchia chấm dứt giao tranh và “quay trở lại giải quyết vấn đề thông qua đối thoại song phương”.

Trong thông báo trên mạng xã hội Truth Social ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Campuchia và Thái Lan “đã đồng ý gặp nhau ngay lập tức và nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, và cuối cùng là hòa bình”.

Chủ nhân Nhà Trắng cho biết, ông đã điện đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai trong nỗ lực khôi phục hòa bình. Ông Trump cảnh báo Mỹ sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với hai quốc gia này nếu giao tranh biên giới còn tiếp diễn.

Bài viết liên quan  Duy nhất 1 trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang đất ở không phải nộp tiền sử dụng đất

Vào sáng sớm 27/7 theo giờ địa phương, Thủ tướng Hun Manet đã cảm ơn Tổng thống Trump và cho biết Campuchia đồng ý với “đề xuất về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện giữa Campuchia và Thái Lan”. Ông cũng cho biết trước đó đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn với Thái Lan thông qua Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.

Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết nước này mong muốn thấy được “thiện chí thực sự từ phía Campuchia”.

Thông cáo cũng nhấn mạnh quyền Thủ tướng Phumtham đã “đề nghị Tổng thống Trump chuyển lời rằng Thái Lan mong muốn tổ chức đối thoại song phương sớm nhất có thể để đưa ra các biện pháp và quy trình nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và tiến tới giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình”.

4 ngày sau khi cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất trong hơn một thập niên nổ ra giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á, số người thiệt mạng đã lên tới hơn 30 người, bao gồm 13 dân thường ở Thái Lan và 8 người ở Campuchia.

Ngoài ra, hơn 200.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực biên giới giữa hai nước.

Theo Straitstimes